NHIỀU THÁCH THỨC ĐE DOẠ MỤC TIÊU XUẤT KHẨU CỦA NGHÀNH GỖ

   Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hóa… sẽ là những yếu tố tác động không nhỏ tới mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD của ngành gỗ Việt Nam trong năm 2024…

 

Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng nhưng chưa bền vững.

 

   Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 7 năm 2024 đạt 1,46 tỷ USD, lũy kế 7 tháng năm 2024 đạt 9,36 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,78 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CHƯA BỀN VỮNG

 

Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu một số sản phẩm chính của ngành gỗ đã tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đồ gỗ nội thất đạt 4,5 tỷ USD tăng 23,5%; sản phẩm gỗ xây dựng đạt 312 triệu USD, tăng 32%; dăm gỗ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 37%.

 

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24,5%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; Nhật Bản đạt 949 triệu USD, giảm 2,73%, Hàn Quốc đạt 472 triệu USD, giảm 1%; EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44 % so với cùng kỳ năm trước.

 

Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm, đang chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, song ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng xu hướng chung của thị trường đồ gỗ, đặc biệt mặt hàng tủ bếp tại Hoa Kỳ trong tháng 7/2024 có những dấu hiệu chững lại. Tăng trưởng cao về kim ngạch là nhờ giá bán tăng, thực tế khối lượng đơn hàng chưa tăng nhiều.

 

Về nguyên nhân giá bán tăng, ông Lập cho biết trong nửa đầu năm 2024, xung đột địa chính trị tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ đã khiến chi phí logistics, giá cước vận tải tăng, đẩy giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước, đang ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra của ngành gỗ.

 

“Nhiều người cho rằng thị trường đang “ấm dần lên”, nhưng thực tế, phía các nhà mua hàng chỉ mua tích trữ trong kho. Sau một thời gian dài giảm nhập hàng trong năm ngoái, lượng nhập hàng giảm mạnh, tồn kho giảm thì nay họ mua thêm hàng để phòng trừ nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố cước vận tải tăng giá. Sản xuất tăng nhưng bán thì không tăng. Rõ ràng xu hướng thị trường là không bền vững”, ông Đỗ Xuân Lập nhận định.

 

Bổ sung thêm, ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch Chi hội gỗ dán Việt Nam, cho hay từ tháng 3/2024 đến tháng 7/2024, nhu cầu đơn hàng có tăng, nhưng hiện đang bị tác động bởi cước tàu biển. Dự báo, trong 3 tháng tới đây, vấn đề này vẫn tác động khá lớn đến xuất khẩu, nhất là xuất khẩu đến các thị trường Hoa Kỳ, EU, Bắc Phi, Ấn Độ,…Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu tăng quá cao trong những tháng gần đây, nhất là giá gỗ cao su tăng phi mã, có thời điểm tăng trên 1 triệu đồng/m3 khiến doanh nghiệp trong ngành gỗ gặp khó. Giá gỗ cao su tăng là do phía doanh nghiệp Trung Quốc sang thu mua khiến ván bóc xuất khẩu tăng đột biến.

 

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong 5 tháng cuối năm 2024 ngành gỗ cần đem về 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, ngành chế biến gỗ gặp không ít các khó khăn. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro gia tăng, có thể khiến nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng cuối năm 2024 không được như những tháng đầu năm.

 

DỰ BÁO NHIỀU KHÓ KHĂN PHÍA TRƯỚC

 

Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam đang đặt ra nhiều quy định, tiêu chuẩn rất khắt khe đối với hàng hóa. Cụ thể, EU đã ban hành quy định về không gây mất rừng (EUDR) để thay thế cho Quy chế gỗ của EU (EUTR) sẽ thực thi từ ngày 30/12/2024. Đây là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU trong việc chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của EUDR, đặc biệt là yêu cầu về chỉ dẫn địa lý, trong khi EU chưa có hướng dẫn cụ thể.

 

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Bảo cho hay, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, thu hút, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản thông qua việc tổ chức hiệu quả hội chợ, triển lãm. Tiếp tục phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin và có những giải pháp hiệu quả để ứng phó với các vụ kiện thương mại.

 

Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.

 

Đồng thời, triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu theo hướng dẫn tại Quyết định số 2260/QĐ/BNN-LN ngày 9/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Sau đó, đánh giá và nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là EUDR.

 

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), cho biết trong vòng 6 năm trở lại đây, ngành gỗ thường đạt xuất siêu 20 – 30%. Năm 2023, ngành gỗ xuất siêu gần 6 tỷ USD, chiếm 1/4 trong tổng số xuất siêu 28 tỷ USD của cả nước. Khi ngành gỗ xuất siêu, chứng tỏ chúng ta có được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh…

 

                                                                                                                       Nguồn: VnEconomy

CONTACT
Scroll to Top