THỦ TỤC XUẤT KHẨU HƯƠNG NHANG
Hương nhang (Incense stick) là một sản phẩm quen thuộc và thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Được làm chủ yếu từ các nguyên liệu thiên nhiên, hương nhang thường được kết hợp với những loại tinh dầu đặc trưng, mang đến những mùi hương dễ chịu khi đốt. Các mùi hương phổ biến như hổ phách, an tức hương, long não, long diên hương, trầm hương, nhựa cây a ngùy, tuyết tùng, hoa nhài, xạ hương, hoắc hương, mộc dược, hoa hồng, gỗ đàn hương, cây bồ đề, nhựa thông… không chỉ tạo ra không gian ấm cúng mà còn mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh.
Hương nhang được sản xuất dưới nhiều hình dạng khác nhau với mùi hương rất đa dạng. Các loại nhang có chất lượng tốt đa số đều được làm những nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên. Nhang cũng là một trong những đồ vật tâm linh được sử dụng rất nhiều trong những những ngày lễ, tết, giỗ chạp. Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thần linh là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam cũng như một số quốc gia khác ở Châu Á.
Vậy cách làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng này như thế nào? Có cần xin giấy phép xuất khẩu không? Quy trình xuất khẩu ra sao? Trong khuôn khổ bài viết này, Beskare Logistics sẽ cùng tìm hiểu chi tiết thủ tục và thực hiện xuất khẩu mặt hàng hương nhang nhé!
I/ Chính sách xuất khẩu mặt hàng hương nhang
- Nghị định Số: 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 ban hành những điều khoản chi tiết về quản lý ngoại thương.
- Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 về danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Nghị định Số: 125/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu, biểu thuế xuất khẩu với các mặt hàng chịu thuế
- Thông tư 39/2018/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan.
- Điều 5, Nghị định Số: 69/2018/NĐ-CP ban hành chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu. Đây đều là những mặt hàng quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với quốc gia. Khi tra cứu theo đó, chúng ta sẽ thấy mặt hàng tăm hương không nằm trong diện cấm xuất khẩu.
II/ Mã HS mặt hàng hương nhang và Thuế xuất khẩu
1. Mã HS code
Việc xác định đúng và đủ mã HS code ( Harmonized Commodity Description and Coding System ) rất quan trọng để quá trình làm thủ tục được nhanh chóng và tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Để thuận tiện cho việc xác định mức thuế xuất, nhập khẩu, các loại hàng hóa đều được cung cấp mã HS code. Mã HS code là các chữ số hoặc chữ cái đã được quy định sẵn nhằm phân biệt các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu khác nhau.
Mặt hàng hương nhang có mã HS tham khảo thuộc Chương 33: Tinh dầu và các chất tựa nhựa; nước hoa, mỹ phẩm hoặc các chế phẩm dùng cho vệ sinh
- 3307 Các chế phẩm dùng trước, trong hoặc sau khi cạo, các chất khử mùi cơ thể, các chế phẩm dùng để tắm, chế phẩm làm rụng lông và các chế phẩm nước hoa, mỹ phẩm hoặc vệ sinh khác, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; các chất khử mùi phòng đã được pha chế, có hoặc không có mùi thơm hoặc có đặc tính khử trùng
- 330741 – – “Nhang, hương” và các chế phẩm có mùi thơm khi đốt cháy:
- 33074190 – – – Loại khác Que hương tự nhiên làm bằng bột bời lời không chứa trầm,
2. Thuế suất xuất khẩu mặt hàng hương nhang là 0%
III/ Quy trình xuất khẩu hương nhang
Các bước xuất khẩu hương nhang như sau:
Bước 1: Liên hệ với người bán và theo dõi quá trình đóng gói hàng hóa.
Bước 2: Kiểm tra các chứng từ xuất khẩu, bao gồm Invoice, Packing list, Contract, và các tài liệu khác.
Bước 3: Lấy thông tin đặt chỗ từ đại lý hãng tàu, trong đó booking rõ ràng về điểm xuất phát, điểm đến, tên hàng, dung tích, và trọng lượng.
Bước 4: Nhận thông tin đặt chỗ và tiến hành quá trình đóng gói hàng, sau đó chuyển hàng ra cảng theo thông tin trên booking.
Bước 5: Truyền tờ khai hải quan qua phần mềm ECUS.
Bước 6: Nộp hồ sơ khai báo hải quan cho cơ quan hải quan. Nếu tờ khai rơi vào luồng vàng hoặc đỏ, thực hiện nộp hồ sơ kiểm hóa và kiểm hóa hàng cùng với hải quan.
Bước 7: Cung cấp vận đơn nháp để khách hàng kiểm tra và xác nhận thông tin. Vận đơn chính thức được phát hành vào ngày tàu chạy.
Bước 8: Sau khi có vận đơn, thực hiện làm Chứng Nhận Xuất Xứ (C/O) nếu cần và cung cấp toàn bộ chứng từ của lô hàng cho người mua.
IV/ Hồ sơ hải quan xuất khẩu hương nhang
1. Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu hương nhang gồm có những giấy tờ, chứng từ sau:
- Tờ khai hải quan
- Giấy tờ đầu vào hàng hóa (hóa đơn, bảng kê thu mua)
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
- Hợp đồng thương mại (Sales Contract) (nếu có)
- Bill of Lading – Vận đơn hàng hóa
- Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List)
2. Một số chứng từ có thể cần phải có theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu:
- Certificate of Origin (Giấy chứng nhận xuất xứ) (C/O)
- Certificate of Phytosanitary (Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật)
- Các chứng từ liên quan khác,…
V/ Chứng nhận hun trùng sản phẩm hương nhang
Một số nước nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải có giấy chứng nhận hun trùng, do mặt hàng tăm hương có nguồn gốc thực vật.
Để tránh việc lây lan mầm bệnh giữa các quốc gia với nhau thì đối tác nhập khẩu có thể yêu cầu hun trùng. Hun trùng cũng giúp hạn chế nấm mốc phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản.
Để làm hun trùng, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm các loại chứng từ sau:
- Hóa đơn thương mại
- Phiếu đóng gói
- Vận đơn
Việc hun trùng sẽ được thực hiện bởi 1 đơn vị đủ năng lực được Bộ NN và PTNT cấp phép.
VI/ Hồ sơ chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do CFS
Những đối tác nhập khẩu từ các quốc gia có kiểm soát hàng nhập khẩu ngặt nghèo hơn thì có thể yêu cầu thêm cả Giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do (CFS). Để có giấy chứng nhận này, doanh nghiệp làm theo hướng dẫn trong Điều 11, Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Hồ sơ xin chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp CFS
- Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp
- Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có)
- Bản tiêu chuẩn công bố với mặt hàng tăm hương tăm tre
- Nhãn chính của sản phẩm tăm hương tăm tre
VII/ Chứng nhận xuất xứ (C/O) khi xuất khẩu hương nhang
Giấy chứng nhận này không phải là giấy bắt buộc trong quá trình làm thủ tục thông quan cho lô hàng.
Tuy nhiên, người mua hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp làm giấy chứng nhận xuất xứ đối với một số thị trường có kí hiệp định thương mại giữa nước nhập khẩu và Việt Nam. Vì vậy, nhà nhập khẩu có thể sử dụng chứng nhận xuất xứ để có mức thuế nhập khẩu ưu đãi.
Ví dụ: nếu xuất khẩu đi Thị trường các nước Asean là mẫu D (certificate of Origin Form D), thị trường Trung Quốc dùng form E, thị trường Mỹ dùng form B,…
Bộ hồ sơ để xin cấp C/O khi xuất khẩu hương nhang gồm:
- Bill Of Lading, Invoice, Packing List, Tờ khai xuất thông quan
- Định mức sản xuất, quy trình sản xuất
- Đầu vào nguyên vật liệu (tờ khai nhập, hóa đơn mua nguyên vật liệu, bảng kê thu mua..)
VIII/ Thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu hương nhang
Trước 2-3 ngày vận chuyển lô hàng hương nhang, doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng hương nhang xuất khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật.
1. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu hương nhang gồm có:
- Đơn đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu)
- Danh sách đóng gói (Packing List)
- Giấy ủy quyền ủy thác làm thủ tục kiểm dịch (nếu có)
- Mẫu của lô hàng hương nhang xuất khẩu
2. Quy trình kiểm dịch thực vật như sau:
Đăng ký kiểm dịch: Nhà xuất khẩu gửi bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật và khai báo trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
- Lấy mẫu: Chủ hàng cần đăng ký kiểm dịch ít nhất trước 1-2 ngày mang hàng ra cảng. Cơ quan kiểm dịch tiến hành lấy mẫu. Mẫu có thể kiểm dịch tại cảng hoặc tại nhà máy.
- Khai báo thông tin: Khai báo các thông tin về lô hàng lên hệ thống để ra chứng thư nháp.
- Bổ sung hồ sơ và lấy chứng thư: Sau khi kiểm tra các thông tin trên chứng thư nháp, xác nhận hoặc sửa chữa với cơ quan kiểm dịch thì tiến hành bổ sung hồ sơ và lấy chứng thư gốc.
Lưu ý: Lần đầu bên kiểm dịch thực vật có thể sẽ về tại cơ sở để kiểm tra hàng hóa hoặc sẽ kiểm tại cảng. Các lần sau doanh nghiệp có thể chuyển hàng lên chi cục kiểm dịch để kiểm tra hàng, tùy theo sự lựa chọn của doanh nghiệp.
IX/ Nhãn hàng hóa xuất khẩu – Shipping mark
Đối với hàng xuất khẩu, để đảm bảo việc vận chuyển, làm thủ tục hải quan được thuận lợi, Doanh nghiệp nên dán shipping mark trên các kiện hàng.
Nội dung shipping mark thông thường gồm những nội dung sau:
- Tên hàng bằng tiếng Anh
- Tên đơn vị nhập khẩu
- MADE IN VIETNAM
- Số thứ tự kiện/tổng số kiện
- Ngoài ra, có thể thêm các thông tin như Số hợp đồng/invoice trên shipping mark
- Lưu ý về sắp xếp, vận chuyển hàng hóa (nếu có): vd: cần đặt theo chiều thẳng đứng, hàng dễ vỡ v.v
Trên đây là thủ tục xuất khẩu mặt hàng hương nhang. Nếu anh chị quý doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này cần làm thủ tục hải quan thì hãy liên hệ chúng tôi.
Beskare Logistics với đội ngũ nhân viên hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu sẽ hỗ trợ tư vấn và làm thủ tục thông quan hàng hoá một cách nhanh chóng, đảm bảo giá dịch vụ hợp lý và uy tín, tận tâm.