THỦ TỤC XUẤT KHẨU THAN GÁO DỪA

Nhu cầu xuất khẩu mặt hàng than gáo dừa hiện nay

   Than dừa, hay còn gọi là than gáo dừa, được sản xuất từ gáo dừa sau khi đã lấy đi nước và cùi. Quy trình sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra loại than này, giúp giảm thiểu vấn đề thiếu hụt nguyên liệu đốt và bảo vệ môi trường.

Than dừa an toàn cho người tiêu dùng vì không chứa hóa chất độc hại và có giá thành rẻ nhờ vào nguyên liệu sẵn có. Loại than này thường được dùng trong nấu nướng và các nhà hàng BBQ, lẩu. Đặc biệt, than gáo dừa rất được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu.

Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, than gáo dừa phải được làm từ dừa khô có độ ẩm dưới 15% và trải qua quá trình than hóa ở nhiệt độ khoảng 1200°C.

   Than gáo dừa đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:

– Làm sạch vết kim loại nặng trong nước, giúp nguồn nước sạch hơn.

– Khử các chất hữu cơ, mùi, vị và hóa chất trong nước thải công nghiệp.

– Khử mùi, màu, kim loại nặng và thuốc trừ sâu trong nước.

– Cung cấp nhiệt lượng cao, được ưa chuộng trong nướng thực phẩm tại nhà hàng, quán BBQ.

   Với những ứng dụng này, than gáo dừa thu hút sự quan tâm cả trong và ngoài nước. Xuất khẩu than dừa mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Thủ tục xuất khẩu do Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở, chi cục nơi tập kết hoặc chi cục cửa khẩu xuất hàng thực hiện.

Than gáo dừa không thuộc diện cấm xuất khẩu, không chịu thuế xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu bình thường theo thủ tục và quy trình hiện hành của luật XNK hiện nay.

Hãy cùng Beskare Logistics tìm hiểu chi tiết thủ tục xuất khẩu than gáo dừa này nhé!

I/ Điều kiện xuất khẩu than gáo dừa

Dựa theo khoản 1 điều 3 theo thông tư số 14/2013/TT-BCT được ban hành vào ngày 15/07/2013 của bộ Công Thương có những quy định về điều kiện kinh doanh than như sau:

  • Than: Bao gồm các loại hóa thạch than và than có nguồn gốc từ hóa thạch dưới dạng nguyên bản hoặc đã trải qua quá trình chế biến.
  • Than dừa không phải là than từ hóa thạch nên không thuộc mặt hàng áp dụng của thông tư 14/2013/TT-BCT ngày 15/07/2013 và Thông tư số 15/2013/TT-BCT ngày 15/07/2013 của Bộ Công Thương.

II/ Thủ tục xuất khẩu than gáo dừa chi tiết

 

1. Hồ sơ hải quan xuất khẩu

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi điều 16 thông tư 38/2015/TT-BTC).của Bộ Tài chính  hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có quy định về hồ sơ hải quan mà người khai hải quan phải nộp và xuất trình như sau:

 

  • Tờ khai hải quan
  • Hợp đồng mua bán hàng hóa: nộp 01 bản chính hoặc 01 bản sao. (Hợp đồng mua bán hàng hoá phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung)
  • Bản kê chi tiết hàng hoá đối với trường hợp hàng hoá có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: nộp 01 bản chính
  • Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
  • Giấy phép xuất khẩu than gáo dừa hoặc văn bản cho phép xuất khẩu than gáo dừa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Giấy chứng nhận kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành (nếu có) theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
  • Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật.
  • Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu hàng hoá thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu (đối với trường hợp nhập khẩu uỷ thác): nộp 01 bản chụp

 

Lưu ý:

  • Theo công văn số: 4334/TCHQ-GSQL quy định về yêu cầu nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan thì bạn chỉ cần truyền tờ khai hải quan xong và đính kèm các chứng từ (đã được ký số điện tử) lên hệ thống V5 của hải quan là được, không cần xuất trình chứng từ giấy tại cơ quan hải quan.
  • Than gáo dừa thuộc vào nhóm hàng nguy hiểm (DG), nên khi xuất khẩu phải có được giấy chứng nhận nhiệt độ bốc cháy và MSDS để hãng tàu kiểm tra xem có nhận hàng hay không. Ngoài ra để được nhận hàng, còn tùy thuộc vào quy chuẩn đóng gói xem đảm bảo an toàn hay không.

2. Mã HS code và thuế xuất khẩu than gáo dừa:

 

Than gáo dừa được quy định mã HS 4402.90.10, không chịu thuế xuất khẩu.

Theo biểu thuế xuất nhập khẩu, than củi thuộc Phần IX, chương 44, nhóm 02. Dưới đây là hs code than gáo dừa và các loại than khác

 

2.1 Mã HS code

 

 Phần IX: GỖ VÀ CÁC MẶT HÀNG BẰNG GỖ; THAN TỪ GỖ; LIE VÀ CÁC SẢN PHẨM LÀM BẰNG LIE; CÁC SẢN PHẨM TỪ RƠM, CỎ GIẤY HOẶC CÁC VẬT LIỆU TẾT, BỆN KHÁC; CÁC SẢN PHẨM BẰNG LIỄU GAI VÀ SONG MÂY
 Chương 44: Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ
4402 – Than củi (kể cả than đốt từ vỏ quả hoặc hạt), đã hoặc chưa đóng thành khối.
440290– Loại khác:
44029090– Loại khác
44021000– Củi tre
44029010– Than gáo dừa

 

2.2 Thuế xuất khẩu than củi

  • Thuế xuất xuất khẩu than củi của tre và các loại khác: 10%
  • Thuế xuất xuất khẩu than gáo dừa: 0%
  • Thuế xuất xuất khẩu than gỗ rừng trồng được: 5%

 

III/ Thủ tục hải quan xuất khẩu mặt hàng than gáo dừa

 

Các thủ tục hải quan cần có tại cửa khẩu xuất đối với mặt hàng than gáo dừa như sau:

  • Căn cứ vào thông tin trên bộ chứng từ thương mại trên, bạn sẽ khai hải quan xuất khẩu theo quy định hiện hành. Việc kê khai này hiện được thực tiện qua phần mềm hải quan điện tử ECUS5 VNACCS, tức là được khai và truyền dữ liệu qua Internet. Sau khi truyền tờ khai bằng phần mềm, in tờ khai và đem bộ chứng từ này ra chi cục hải quan để đăng ký tờ khai. Và chờ trả kết quả phân luồng để tiến hành thủ tục, như sau:

+ Luồng xanh: Thông quan ngay và tiến hành vào sổ tàu;

+ Luồng vàng: Mang hồ sơ giấy cho hải quan kiểm tra, hồ sơ được thông qua thì tiến hành vào sổ tàu;

+ Luồng đỏ: Vừa kiểm tra hồ sơ giấy vừa kiểm tra thực tế hàng hóa. Sau khi hoàn thành thì tiến hành vào sổ tàu.

 

 

IV/ Hồ sơ xin cấp C/O hàng xuất khẩu

 

  • Đơn đề nghị cấp C/O;
  • Form C/O;
  • Tờ khai hải quan;
  • Invoice;
  • Packing List;
  • Bill of Lading;
  • Bảng kê tiêu chí sử dụng;
  • Hóa đơn hoặc tờ khai đầu vào;
  • Quy trình sản xuất;
  • Biên bản kiểm tra nhà xưởng (nếu có);
  • Công văn cam kết nguồn gốc xuất xứ (nếu có).

Lưu ý: Để xin cấp C/O Doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan cấp C/O.

 

V/ Một vài khó khăn đối với Doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu than dừa

 

Xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là than gáo dừa, thường gặp vướng mắc, nhất là với doanh nghiệp và cá nhân thiếu kinh nghiệm. Việc thiếu giấy tờ theo quy định hồ sơ hải quan có thể kéo dài thời gian thông quan, thậm chí làm hàng bị giữ lại tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp. Thời gian xuất khẩu phụ thuộc vào tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ.

 

Ngoài ra, việc chọn phương thức vận chuyển không phù hợp có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và dẫn đến chi phí phát sinh lớn nếu không có kế hoạch tính toán hợp lý.

 

 

Trên đây là thủ tục và quy trình xuất khẩu than gáo dừa, nếu anh chị quý doanh nghiệp cần xuất khẩu mặt hàng này cho đối tác thì hãy liên hệ chúng tôi để được tư vấn và tiến hành các thủ tục xuất nhập khẩu. Beskare Logistics với đội ngũ nhân viên hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu sẽ giúp quá trình xuất khẩu mặt hàng này nhanh chóng và thuận tiện nhất.

CONTACT
Scroll to Top