SẢN XUẤT VÀ CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU: ĐIỂM SÁNG TRONG 6 – 12 THÁNG TỚI.

Sản xuất và các mặt hàng xuất khẩu: Điểm sáng trong 6 – 12 tháng tới

Đối với Việt Nam, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư cùng với du lịch và tiêu dùng nội địa sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 6-12 tháng tới. Những số liệu thống kê gần đây về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch đã khẳng định rất nhiều về điều này…

Nhận định triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 của Việt Nam vẫn tiếp tục sáng, chuyên gia kinh tế của Tập đoàn UOB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 6% như dự báo từ đầu năm. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, nhấn mạnh rằng lĩnh vực sản xuất và các mặt hàng xuất khẩu sẽ là điểm sáng của Việt Nam trong 6-12 tháng tới.

Dựa trên dự liệu kinh tế vĩ mô mới nhất của Việt Nam và Mỹ, ông có thể đưa ra một số kịch bản dự báo về tỷ giá hối đoái, lãi suất và lạm phát trong nửa cuối năm 2024?

Đối với Việt Nam trong nửa cuối năm 2024, chúng tôi dự đoán tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, chủ yếu do chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là chưa chắc chắn. Trong khi thị trường đã loại trừ khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2024, dự báo hiện tại của chúng tôi là sẽ có 2 lần cắt giảm lãi suất của Fed diễn ra trong nửa cuối năm 2024.

Việc cắt giảm lãi suất sẽ gây áp lực giảm giá đối với đồng USD và do đó đồng VND tăng giá. Hiện tại, dự báo của chúng tôi về tỷ giá VND sẽ tăng lên mức 24.800-25.000 mỗi USD vào cuối năm 2024.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi dự đoán chính sách lãi suất sẽ ổn định trong thời điểm hiện tại do ngân hàng trung ương sẽ thận trọng trong bối cảnh môi trường bên ngoài không chắc chắn. Điều này một phần nhằm chống lại áp lực giảm giá của VND và cũng nhằm ứng phó với áp lực lạm phát ở Việt Nam, với chỉ số CPI đang nhích dần về mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (4,03% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024).

Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở Việt Nam trong những tháng gần đây là do giá lương thực tăng, có thể do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ở khu vực Biển Đỏ, cũng như thời tiết, khí hậu bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong khi nhu cầu trong nước đang trong giai đoạn phục hồi.

Yếu tố nào thúc đẩy sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025 thưa ông?

Đối với Việt Nam, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư cùng với du lịch và tiêu dùng nội địa sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 6-12 tháng tới. Những số liệu thống kê gần đây về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch đã khẳng định rất nhiều về điều này.

6 tháng đầu năm 2024, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước lên 369,62 tỷ USD, trong đó cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng hai con số so với cùng kỳ (lần lượt là 14,9% và 17,3%). Dòng vốn FDI đạt mức cao nhất trong 5 năm, đạt 8,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, củng cố quan điểm rằng các công ty nước ngoài vẫn tin tưởng về khả năng duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam cũng như là nhu cầu trong tương lai đối với sản phẩm của họ.

Vậy, yếu tố nào đáng lưu ý với nền kinh tế toàn cầu nếu sự kiện Thiên Nga Đen có thể xảy ra?

Rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục là ẩn số lớn, đặc biệt là ở Trung Đông và Đông Âu, khi các tuyến đường vận chuyển hàng hóa thiết yếu bao gồm dầu mỏ, nông sản cùng nhiều mặt hàng khác dễ bị gián đoạn ở những khu vực đó. Do đó, các quốc gia và công ty cần thực hiện các hành động quản lý rủi ro một cách quyết liệt để đối phó với những biến động này cũng như những yếu tố bất ngờ khác.

Theo đó, cần phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái và các biến động thị trường khác; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu để đảm bảo ít bị tác động nhất từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; duy trì mối quan hệ bền chặt với các nước, thị trường lân cận để đảm bảo sự ổn định và hỗ trợ trong “khu vực lân cận”.

Theo ông, những lĩnh vực nào có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025? Tại sao?

Lĩnh vực sản xuất và các mặt hàng xuất khẩu liên quan sẽ là điểm sáng của Việt Nam trong 6-12 tháng tới. Với nền kinh tế Mỹ đang khá ổn định thì nhu cầu sẽ được hỗ trợ.

Dữ liệu xuất khẩu mới nhất cho thấy nhu cầu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục lạc quan, khi bảy mặt hàng xuất khẩu chính (gồm: điện tử; máy tính; linh kiện; điện thoại di động; may mặc, dệt may; giày dép và gỗ) chiếm 65% tổng doanh thu xuất khẩu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2024. Đây sẽ là những lĩnh vực mang lại lợi thế cạnh tranh cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam và đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục đến năm 2025…

Nguồn: VNEconomy

CONTACT
Scroll to Top