HOA KỲ CHI HƠN 66 TỶ USD NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ VIỆT NAM TRONG 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ, Hoa Kỳ chi hơn 66 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội cả nước tháng 7 và 7 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy: kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa riêng tháng 7 đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%.

(Số liệu Tổng cục Thống kê, tổng hợp: PT)

Xuất khẩu hàng hoá đạt hơn 35,9 tỷ USD, tăng 6,7%

Về xuất khẩu hàng hóa, tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,87 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,05 tỷ USD, tăng 5,6%.

Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.

(Số liệu Tổng cục Thống kê, tổng hợp: PT)

Trong 7 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu .

Đáng chú ý, có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng giá trị xuất khẩu, kể đến như là:

  • Điện tử, máy tính (39,8 tỷ USD);
  • Điện thoại (32,4 tỷ USD);
  • Máy móc thiết bị (27,6 tỷ USD);
  • Dệt may (19,8 tỷ USD); Giày dép (12,8 tỷ USD);
  • Gỗ và sản phẩm gỗ (8,8 tỷ USD); Phương tiện vận tải (8,4 tỷ USD); Sắp thép (5,4 tỷ USD) và cuối cùng là Thuỷ sản (gần 5,3 tỷ USD).

Nhập khẩu hàng hoá đạt hơn 33 tỷ USD, tăng 11%

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,6 tỷ USD, tăng 10,8%.

Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2024 (nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong 7 tháng năm 2024 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 10 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,5%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 13,02 tỷ USD, chiếm 6,1%.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024

Theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2024,

  • Xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 57,5 tỷ USD tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước;
  • Xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%;
  • Xuất siêu sang Nhật Bản 1,1 tỷ USD, giảm 14%;
  • Nhập siêu từ Trung Quốc 45,8 tỷ USD, tăng 65,4%;
  • Nhập siêu từ Hàn Quốc 17,7 tỷ USD, tăng 15,7%;
  • Nhập siêu từ ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 21%.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 6 xuất siêu 3,2 tỷ USD. Luỹ kế 6 tháng xuất siêu 11,96 tỷ USD; riêng tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD.

Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Nguồn: Danviet.vn

CONTACT
Scroll to Top